NHÀ MÁY CHÈ 1927

NGÀNH TRÀ VIỆT NAM

Việt Nam đứng thứ 5 về diện tích và thứ 6 về sản lượng chè trên thế giới. Năm 2017, Việt Nam có diện tích trồng chè là 129,3 nghìn ha với sản lượng 1.048,8 nghìn tấn chè tươi.

Nhiều tư liệu khẳng định tộc Việt đã biết uống trà từ rất lâu, ít nhất cũng nhiều trăm năm, thậm chí hàng thiên niên kỷ. Khi nói về Bách Việt, Khổng Tử nói: “Dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước nấu bằng thứ lá cây lấy trong rừng gọi là trà.” Với Đại Việt ta, từ góc độ cổ tích và truyền thuyết, bằng chứng cho nguồn gốc xuất xứ về trà đã xuất hiện từ thời Hùng Vương. Dấu tích của cây trà và lá trà hóa thạch cũng được phát hiện ở Phú Thọ, đất tổ Hùng Vương. Như vậy, Việt Nam có một lịch sử trà đã lâu đời. Những bằng chứng về tư liệu, khảo cổ, nghiên cứu đều khẳng định miền Bắc Việt Nam thuộc vùng khởi phát cho những cây trà đầu tiên.

 Một trong những loại trà Việt Nam được lịch sử ghi lại là “trà thơm” do Đinh Liễn cống cho nhà Tống vào thế kỷ thứ 10. Do đó, trà ướp hương Việt Nam xem như đã có dòng chảy ít nhất hơn 1000 năm.

NGÀNH TRÀ BẢO LỘC 

Thành phố Bảo Lộc  từ xưa được gắn với cái tên là “thủ đô trà” của phương Nam. Những cây chè đầu tiên đã được trồng tại đồn điền người Pháp từ năm 1927. 

“Trong đồng nội, ngàn cỏ tranh thổi bụi
Chốn rừng thưa, êm phủ thảm nhung
Chốn Rling cất cánh bay hương…”

Đất đỏ bazan ở độ cao chừng hơn 800 mét của xứ B’Lao xưa rất thích hợp với cây trà và cà phê. Càng ngày cây trà ở Bảo Lộc càng phát triển mạnh nhất là vào giai đoạn đầu thập niên 50 khi người Bắc di cư lên vùng đất Tây Nguyên. Họ khai phá rừng hoang tạo nên những đồi trà chạy dọc trục đường quốc lộ để thuận tiện giao thông đưa trà về Sài Gòn và Lục tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Những đồi trà tạo nên bông hoa khổng lồ xanh mướt mơ cánh rộng tới 20 cây số bao quanh thành phố Bảo Lộc.  Cây trà ở Bảo Lộc cho hương vị ngọt hậu tự nhiên ngay từ những búp trà làm thô khi mới hái về. Sau này người ta còn xây cả xưởng chế biến trà tại chỗ. Họ đóng gói trà mộc rồi chở đi cho các nơi chế biến hay ướp hương thành phẩm. Trục đường quốc lộ 20 nườm nượp những đoàn xe đón những bao tải trà đưa về lục tỉnh. Một vương quốc chè B’Lao hình thành. Người ta còn ví trục đường Trần Phú kéo dài từ cuối đèo Bảo Lộc tới ngã ba đường Lê Hồng Phong là “con đường thơm”.

“Mênh mông một màu xanh
Bạt ngàn đồi nương, ngan ngát hương trà
Trong sương sớm bồng bềnh
Thơm mãi môi người vị chát đầy yêu thương”

NHÀ MÁY CHÈ 1927

Nhà máy nhà máy chè Lâm Đồng 1927 được ấp ủ ý định vào năm 1927 và đến năm 1932 chính thức đi vào khởi công, đây là một trong 2 nhà máy được xây dựng lâu nhất tại cao nguyên Trung phần của Việt nam. Nhà máy do người pháp làm chủ và được xây trên vùng chè hoang sơ lúc bấy giờ thuộc Quận B’lao, Tỉnh Đồng Nai Thượng (Nay là TP. Bảo lộc, Tỉnh Lâm đồng).

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử , nhà máy chè 1927  với những cỗ máy vẫn nguyên hiện trạng nhưng đã không còn phù hợp với quy trình sản xuất hiện đại.  Nhà xưởng nhuốm màu rêu phong, những cỗ máy tuổi đời lên đến 80 năm đã không còn phù hợp với thời thế, nhưng nó không phải là những vật vô tri, mà là nhân chứng của thời gian, minh chứng tiến trình phát triển của ngành trà, là niềm tự hào của ngành sản xuất trà Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.