Tết chậm rãi dịch đi đến gần ta qua tất cả giác quan: những cánh hoa Xuân mịn màng, phiên chợ ngập hàng hóa đủ sắc màu, đàn chim hót báo Xuân rộn ràng mỗi sớm mai. Và nhất là mùi hương chỉ riêng Tết quê nhà mới có – Một mùa Tết đậm tình thân lại về.
Hương Tết đậm tình thân về qua ngõ
Hương nước mùi già đêm trừ tịch thơm ngát, len lỏi qua làn tóc tơ của con trẻ, thoảng bay giữa những tiếng cười đùa, xua tan hết muộn phiền năm cũ. Hương nhang trầm dệt những sợi tơ khói bay lên trời cao, mang theo nguyện ước bình an. Hương củi lửa nồng ấm của nồi bánh chưng, bánh tét, nơi ba thế hệ quây quần cùng tạo nên những hồi ức đẹp. Hương thanh mát từ những chậu đào, mai, lan, quất chưng dọc sân nhà, bình hoa huệ, hoa cúc, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên.
Và làm sao thiếu được mùi hương từ góc bếp của mẹ. Không chỉ bánh chưng xanh, nồi canh măng, mẹ còn tự tay làm mứt, mứt dừa ngọt ngào, mứt quất trong veo, mứt hạt sen thơm bùi… “Con dù lớn vẫn là con của mẹ” – những món ngon chỉ nấu trong dịp Tết là cách mẹ yêu thương đàn con từ bốn phương trở về đoàn viên.
Mùi hương Tết đậm vị tình thân dẫn đường ký ức, đưa mỗi người chúng ta trở về với góc mềm mại nhất của trái tim mình.
Tết là khi không thể thiếu nhau
Mùi hương tựa như thước phim xưa cũ, chỉ cần một làn gió gợi lại đã đủ phủi đi lớp bụi mờ ký ức. Những ngày này, dạo quanh một vòng phố phường, từng làn hương thân thuộc cứ thế lan tỏa, khiến lòng ta rạo rực vì Tết đã rất gần…
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” – Phong vị đặc trưng ngày Tết không thể thiếu hương lá dong gói bánh. Đêm 27-28 Tết, người lớn trẻ con quây quần bên bếp lửa hồng. Nồi bánh vừa chín tới, lá dong chuyển qua sắc vàng sẫm, tách từng lớp lá bên trong là chiếc bánh chưng xanh nóng hổi, thơm lừng…
Việt Nam những ngày cuối năm, khắp các gian nhà lại thoang thoảng hương nước mùi già thơm dịu, lan tỏa ra đến tận đầu ngõ; như hương xuân lãng đãng trong cái lạnh lạnh của những ngày cuối năm. Quyện trong thức mùi yên bình ấy, chẳng thể nào thiếu hương bó hoa lê, hoa đào hay tuyết mai đang dần bung nở. Những ngày càng giáp Tết, lại càng đặc trưng mùi hương trầm thơm dịu, đầm ấm được lan tỏa từ truyền thống tri ân ông bà, tổ tiên của người Việt.
Mỗi chúng ta dẫu đã lớn lên, rời xa tổ ấm thân thuộc; song vẫn khó có thể nào quên được niềm hạnh phúc bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng, được hít hà nước mùi già thơm phức, hương hoa Tết hay trầm hương nồng ấm. Có lẽ, hương Tết không đơn thuần được cảm nhận bằng khứu giác, mà là niềm rung cảm từ trái tim khi khoảnh khắc đoàn viên đã đến thật gần.
Tết bên chén trà Đôi Dép
Dường như, nhịp sống chậm của buổi chiều cuối năm làm hương vị Tết rõ ràng hơn. Ta có nhiều thời gian để ngắm nhìn ngôi nhà dần đổi sắc. Mẹ bảo “thấy hoa là thấy Tết”, chăm hoa và chơi hoa cũng là một dạng nghệ thuật tu dưỡng tâm hồn. Bởi khi nở, hoa phô bày tâm hồn người cắm.
Thưởng trà, ngắm hoa chiều cuối năm trở thành cớ để gia đình quây quần, ôn lại những xáo động trong một năm. Trà Đôi Dép hãm trong ấm, được ướp từ ngày thu, hứng sương, hứng nắng để đượm nồng trong tiết xuân se lạnh. Hoa được cắm tỉa khi bước qua mùng 10 tháng Chạp, để kịp chăm bẵm, uốn nắn, đơm nụ cho Tết.
Nên lẽ thường, Tết về cùng bát hoa thủy tiên trang trọng trên ban thờ, hay trong cánh đào phai, đào bích. Sân nhà ngập sắc hồng đỗ quyên và màu vàng của chùm cúc mâm xôi. Tết còn là khoảng thời gian thư thả làm mứt bánh; gói vài chiếc bánh chưng cho mâm lễ giao thừa.
Tết đậm tình thân vẫn mộc mạc như những gì vốn có, nếu như lòng người đủ an nhiên để cảm nhận. Khi trong nhà đã quyện hương thủy tiên, bưởi Diễn, phật thủ, hương trầm, chén trà hãm đậm… ấy là lúc mùa xuân chính thức về…
Đôi Dép kính chúc quý quý khách tận hưởng những ngày giáp Tết thật đầm ấm, sum vầy và hạnh phúc bên những người yêu thương!